Lịch sử khoa
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN KHOA ĐỊA LÝ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Năm 1956, Ban Địa lý - trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, tiền thân của khoa Địa lý ngày nay, đã được thành lập. Đây là cơ sở đào tạo cán bộ Địa lý đầu tiên của nước ta vì trước đó, ở bậc đại học chưa có một cớ sở nào đào tạo về Địa lý. Các kiến thức Địa lý chỉ có ở một số bộ môn trong chương trình đào tạo của Ban Lịch sử. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy - trò khoa Địa lý luôn phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng là một trung tâm đào tạo cán bộ ngành Sư phạm Địa lý lớn nhất của cả nước. Căn cứ vào sự thay đổi về chương trình đào tạo, cơ cấu tổ chức và tình hình chung của đất nước, có thể khái quát quá trình phát triển của khoa Địa lý trường ĐHSP Hà Nội thành các giai đoạn chủ yếu sau đây:
1. Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 1965
Đây là giai đoạn hình thành và phát triển của khoa Địa lý trong hoàn cảnh hoà bình. Khi vừa thành lập, số lượng cán bộ và sinh viên còn rất ít. Trong lễ khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 9 năm 1956 chỉ có 5 thầy thuộc Ban Địa lý. Số sinh viên trong năm học đầu tiên cũng chỉ 62 người, được phân thành có 2 lớp.
Trong những năm đầu thành lập, Ban Địa lý gặp rất nhiều khó khăn chồng chất, đặc biệt là chương trình đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và đội ngũ giảng viên. Vấn đề cấp thiết được đặt ra là phải xây dựng chương trình đào tạo bậc Đại học ngành Địa lý từ một số ít tài liệu về Địa lý và bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của người Pháp. Đội ngũ giảng viên lúc đó rất thiếu và trình độ chuyên môn còn hạn chế. Vì thế, các thầy phải tự lực cánh sinh, vừa đào tạo vừa tự đào tạo, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. Nguồn tài liệu tham khảo, giáo trình, bản đồ phục vụ giảng dạy, học tập đều phải xây dựng từ đầu…
Từ 1956 - 1959, Ban Địa lý nằm trong khoa Sử Địa và chưa hình thành các bộ môn. Việc xây dựng đội ngũ giảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn này. Vì vậy, từ đầu năm học 1957-1958 có thêm một số thầy ở các cơ quan khác chuyển đến. Tiếp sau đó là 6 sinh viên khoá chuyển tiếp Sử - Địa tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên, trong đó có thầy Vũ Tự Lập. Sự tăng nhanh số lượng cán bộ có vai trò rất quan trọng trong bước khởi đầu của Ban Địa lý.
Về chương trình đào tạo, sau khoá học đầu tiên (1956 - 1959) do nhu cầu về giáo viên địa lý của các trường phổ thông tăng nhanh nên chương trình đào tạo chung của cả trường rút xuống còn 2 năm và hệ 2 năm kéo dài cho đến năm học 1961 - 1962. Nội dung giảng dạy chưa được hệ thống một cách rõ ràng và chặt chẽ. Hệ thống tài liệu học tập, phương tiện và đồ dùng dạy học cơ bản không đủ. Tuy nhiên, ý thức tự học, nề nếp học tập của sinh viên và việc tổ chức thi cử rất nghiêm túc. Việc học tập của sinh viên luôn đạt kết quả tốt, các hoạt động phong trảo của Ban Địa lý sớm được khẳng định trong toàn trường.
Từ năm 1960, nhờ có số sinh viên tốt nghiệp được giữ lại, lực lượng cán bộ của khoa tăng lên nhanh chóng, số lượng cán bộ giảng dạy đã lên tới 30 người vào cuối năm 1962. Đây cũng là thời gian thành lập các tổchuyên môn khác nhau, như: Địa lý tự nhiên đại cương; Địa lý tự nhiên Việt Nam; Địa lý kinh tế Việt Nam... có chế độ sinh hoạt chuyên môn rất chặt chẽ. Đến khoảng năm 1962 - 1963 ban Địa lý tách khỏi khoa Hoá - Sinh - Địa và trở thành một khoa độc lập.
Song song với việc thành lập các tổ nhóm chuyên môn, việc hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và tổ chức nghiên cứu khoa học cho cán bộ trở thành vấn đề cấp bách. Ngay từ năm học 1959 - 1960, một số chuyên gia Liên Xô về Địa mạo, Địa lý tự nhiên, Địa lý kinh tế và Bản đồ đã sang làm việc tại khoa Địa lý nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên. Từ năm 1961, nhiều cán bộ của khoa Địa lý đã được cử sang Liên Xô bồi dưỡng sâu về chuyên môn. Đến năm 1964 hầu hết cán bộ gửi đi bồi dưỡng đều trở về nước, tạo nên sự lớn mạnh của đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng.
Về nghiên cứu khoa học, do nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên công tác phân vùng địa lý tự nhiên rất được chú ý. Dưới sự chỉ đạo của thầy Nguyễn Đức Chính, khoa Địa lý đã phối hợp với Ủy ban khoa học nhà nước tiến hành nghiên cứu phân vùng địa lý tự nhiên lãnh thổ Việt Nam..
Về chương trình đào tạo, đến năm học 1962 - 1963 bắt đầu xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo hệ 3 năm. Nhờ có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, chương trình đào tạo được soạn thảo công phu hơn. Một số giáo trình đào tạo đã được biên soạn. Một số môn học chuyên sâu được đưa vào chương trình đào tạo như: địa mạo học, khí hậu học, thuỷ văn học, vấn đề phân vùng địa lý tự nhiên, khí hậu nông nghiệp….
2. Giai đoạn từ 1965 đến 1975, phát triển trong điều kiện sơ tán
Thực hiện hiện nhiệm vụ vừa đào tạo, vừa sẵn sàng chiến đấu chống Mĩ trong tình hình mới, ngày 20- 9-1965 toàn thể cán bộ và sinh viên khoa Địa lý đến nơi sơ tán tại huyện Phù Cừ - tỉnh Hưng Yên (1965 - 1968) và tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên (từ tháng 9 năm 1968). Tại nơi sơ tán, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của sinh viên đều dựa vào dân. Để thích ứng với điều kiện sống và làm việc phân tán, khoa Địa lý trở thành một đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm quản lý sinh viên toàn diện.Trong các hoạt động tại nơi sơ tán, việc phối hợp giữa các tổ chức trong khoa, chính quyền công đoàn, lực lượng tự vệ, đoàn thanh niên và tổ chức chuyên môn hết sức chặt chẽ, mọi hoạt động đều đi vào nề nếp. Một số đảng viên và quần chúng trở thành những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn. Cũng trong giai đoạn này, đặc biệt là từ 1970 đến 1972, hàng trăm giảng viên và sinh viên khoa Địa lý đã lên đường ra mặt trận. Trong đó, hàng chục đồng chí đã bị thương và 6 đồng chí đã hy sinh ngoài mặt trận…
Về công tác đào tạo, trong giai đoạn này có những thay đổi về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy. Cả chương trình lẫn việc tổ chức, quản lý đào tạo cũng có những biến đổi tương ứng. Ở thời kỳ đầu vẫn tiếp tục thực hiện chương trình 3 năm đã được triển khai từ năm 1962. Từ năm học 1967 - 1968, khoa bắt đầu xây dựng chương trình hệ 4 năm. Trong chương trình đào tạo mới, ba hướng chính được chú trọng là Địa lý tự nhiên tổng hợp, Địa lý kinh tế Việt Nam và Địa mạo học. Về mặt tổ chức, khoa có 4 tổ bộ môn là Tổ Địa lý cơ sở; Tổ Địa lý tự nhiên; Tổ Địa lý kinh tế; Tổ Giáo - Hành - Đồ. Vào năm học 1967 - 1968 có sự điều chỉnh lại các tổ. Nhóm hành chính tách khỏi tổ Giáo - Hành - Đồ để lập ra tổ Hành chính cấp dưỡng. Từ năm học 1968 - 1969, khoa bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo mới. Một số giảng viên các môn cơ bản được bổ sung. Cơ cấu tổ chức của khoa gồm 9 tổ chuyên môn là Địa lý tự nhiên cơ sở, ĐLTN Việt Nam, ĐLTN các châu, Cơ sở địa lý kinh tế, ĐLKT Việt Nam, ĐLKT thế giới, Bản đồ, Khoa học cơ bản và Giáo học pháp.
Trong tổ chức thực hiện chương trình, khoa đã chú trọng tới việc tinh giản nội dung, tăng cường thực hành chuyên môn và nghiệp vụ. Số giờ thực hành, thực địa chiếm tới 1/4 tổng số giờ của cả khoá đào tạo và thời gian thực địa được gọi là học kỳ III của cả năm học. Cũng trong giai đoạn này Khoa Địa lý giúp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào xây dựng chương trình và đào tạo giáo viên Địa lý với một tổ đặc phái được thành lập do nhà giáo Lê Trọng Túc làm tổ trưởng.
Công tác nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ cũng được tiến hành tích cực. Hàng năm cán bộ giảng dạy phải đăng ký đề tài, báo cáo kết quả nghiên cứu tại các hội nghị khoa học của tổ và của Khoa. Khoa đã lập kế hoạch bồi dưỡng cán bộ theo hai mức cấp I và cấp II.
3. Giai đoạn trước Đổi mới, từ 1975 - 1990
Sau khi từ nơi sơ tán về Hà Nội, ngoài những khó khăn chung của toàn trường về cơ sở vật chất, còn có một số khó khăn riêng của khoa, nhất là đội ngũ cán bộ do nhiều cán bộ hy sinh, một số cán bộ đi tăng cường cho các trường Đại học Sư phạm ở miền Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Để bổ sung lực lượng, khoa đã nhận thêm một số cán bộ công tác chuyên trách của Đảng, Đoàn, giáo vụ tại khoa làm cán bộ giảng dạy.
Trong giai đoạn này, chương trình đào tạo tiếp tục thay đổi theo hướng tinh giản vững chắc, thiết thực. Một số môn khoa học cơ bản đã được rút gọn. Các môn học về những hợp phần tự nhiên được hợp nhất thành môn Cơ sở địa lý tự nhiên. Thông qua việc xây dựng chương trình, các quan điểm Địa lý hiện đại được thống nhất. Đây là cơ sở cho việc xây dựng hệ thống giáo trình có chất lượng. Ngoài chương trình đào tạo Đại học, khoa đã đào tạo đại trà hệ Cao học với số lượng ngày càng nhiều theo một số chuyên ngành. Có thể coi đây là một bước phát triển mới trong đào tạo và vị thế của khoa Địa lý ngày càng được nâng cao.
Về tổ chức, do có sự biến động về đội ngũ cán bộ và thay đổi về chương trình, các tổ chuyên môn đã được sắp xếp lại. Từ năm học 1974 - 1975, khoa Địa lý có 4 tổ chuyên môn là Tổ Địa lý tự nhiên cơ sở; Tổ Địa lý tự nhiên khu vực; Tổ Địa lý kinh tế; Tổ Nghiệp vụ.
Công tác bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều cán bộ trong khoa đã vượt qua kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án PTS ở nước ngoài rồi quay trở về công tác. Trong đó, nhà giáo Vũ Tự Lập là người bảo vệ thành công luận án PTS đầu tiên tại khoa Địa lý vào năm 1975.
Từ năm 1976, khoa Địa lý chính thức được công nhận là một cơ sở đào tạo Sau đại học. Cuối năm 1976, một số cán bộ đã bảo vệ luận văn cấp I. Đến năm 1978, khoa Địa lý đã xây dựng quy hoạch cán bộ, phân loại theo yêu cầu bồi dưỡng chuyên môn để chuẩn bị cho việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đến năm học 1980-1981, hầu hết số cán bộ bồi dưỡng cấp I đã bảo vệ xong luận văn của mình. Năm 1986, cả 5 NCS trong nước khoá I đã bảo vệ thành công luận án PTS. Một số nhà giáo đã được phong học hàm PGS. Chính sự thành công trong việc bồi dưỡng cán bộ ở giai đoạn này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Song song với việc bồi dưỡng chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy lên một tầm cao mới. Ngay từ cuối thập kỷ 70, đông đảo cán bộ đã tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó một số nhận trọng trách chủ nhiệm các đề tài cấp nhà nước.
Về hợp tác quốc tế, nhiều cán bộ được cử đi dạy ở nước ngoài, đặc biệt là ở Lào, Cămpuchia và Ăngôla. Khoa Địa lý cũng nhận đào tạo nhiều sinh viên, NCS Lào và Cămpuchia.
4. Giai đoạn của sự Đổi mới, từ 1990 đến 2010
Công cuộc đổi mới nền kinh tế - xã hội của đất nước đã mở ra một thời kì mới. Trong bối cảnh đó, khoa Địa lý đã phát triển mạnh theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Về đào tạo, khoa Địa lý chuyển từ việc đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học phần. Chương trình mới đào tạo theo học phần về cơ bản là sự kế thừa chương trình được xây dựng vào đầu thập niên 80, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Đó là sự thay đổi lớn về quan điểm, nội dung và phương pháp giảng dạy để thích hợp với công cuộc Đổi mới của đất nước và chương trình Cải cách giáo dục ở trường phổ thông.
Sau khi trường ĐHSP tách khỏi ĐHQG Hà Nội, chương trình đào tạo tiếp tục được xây dựng lại. Năm học 1999 - 2000, khoa được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo cử nhân Địa lý cho các trường Sư phạm trong cả nước. Chương trình mới này bắt đầu được thực hiện tại Khoa Địa lý trường ĐHSP Hà Nội từ năm học 2000-2001.
Việc đào tạo Sau đại học có những bước phát triển mới. Sau 14 khoá đào tạo Sau đại học, từ năm học 1991-1992, hệ đào tạo này được chuyển thành hệ Cao học (thạc sĩ). Chương trình đào tạo Cao học gồm 4 chuyên ngành. Công tác đào tạo NCS đã đạt được những kết quả cao với 3 chuyên ngành: Địa lý Tự nhiên, Địa lý Kinh tế- Chính trị và Phương pháp giảng dạy địa lý. Tính đến hết năm 2010 đã có gần hơn 90 luận án TS bảo vệ thành công tại khoa Địa lý và khoảng 1.500 thạc được đào tạo ở các chuyên ngành.
Sự phát triển mạnh mẽ trong công tác đào tạo sau đại học đã góp phần thúc đẩy cán bộ trong khoa tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác với nhiều cơ quan khoa học ở trong và ngoài nước. Nhiều công trình nghiên cứu và hàng loạt các bài báo khoa học được công bố đã phản ánh sự phát triển của Địa lý học trong giai đoạn đổi mới. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được triển khai với sự đóng góp có hiệu quả của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Hầu hết sách giáo khoa Địa lý, sách giáo viên, các tài liệu bồi dưỡng giáo viên từ bậc trung học cơ sở đến bậc trung học phổ thông đều do cán bộ trong khoa biên soạn.
Về mặt tổ chức, các bộ môn đã được sắp xếp lại theo hướng tổng hợp với 4 bộ môn là Địa lý tự nhiên, Địa lý kinh tế - xã hội, Bản đồ và Phương pháp giảng dạy Địa lý.
5. Giai đoạn từ 2011 đến nay
5.1. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát của khoa Địa lý trong giai đoạn này là góp phần thực hiện Sứ mạng của Trường ĐHSP Hà Nội, bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học và trên đại học, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội; nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học giáo dục và khoa học ứng dụng đạt trình độ tiên tiến; cung cấp dịch vụ giáo dục và khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Với vai trò là cơ sở đào tạo giáo viên Địa lý hàng đầu của cả nước và là đơn vị trực thuộc Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm, các mục tiêu cụ thể của khoa Địa lý bao gồm:
- Đào tạo giáo viên địa lý có chất lượng cao ở trình độ Đại học và Sau đại học cho các trường phổ thông; cán bộ giảng dạy và nghiên cứu cho hệ thống trường ĐHSP, Cao đẳng Sư phạm và các trường Đại học, Cao đẳng, các cơ quan, Viện nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.
- Nghiên cứu khoa học (khoa học cơ bản, khoa ứng dụng, khoa học giáo dục) và vận dụng các kết quả nghiên cứu vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo của đất nước.
- Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về khoa học Địa lý, ứng dụng Viễn thám và Hệ thông tin địa lý trong nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy Địa lý cho đội ngũ giáo viên ở Phổ thông, Đại học, Cao đẳng và các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trên cả nước.
5.2. Nhiệm vụ
Nhiệm vụ chung của khoa Địa lý trong giai đoạn này là cùng với các đơn vị đào tạo khác của trường ĐHSP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, cho các bậc học, tư vấn xây dựng chính sách giáo dục.
Để đạt được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể nêu trên, các nhiệm vụ chủ yếu được tập thể khoa thống nhất và quyết tâm tổ chức thực hiện bao gồm:
- Tập trung phát triển chương trình đào tạo: Phát triển Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Địa lý và các Chương trình đào tạo ở bậc Sau đại học là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện. Hằng năm, khoa tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lí giáo dục, các trường, cán bộ quản lí, giáo viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh.
- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại: chuyển từ cách học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý đến các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích và rèn luyện năng lực tự học, tạo cơ sở để học tập suốt đời, tự cập nhật và đổi mới tri thức, phát triển năng lực; vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với với nội dung, đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra và đánh, đặc biệt là đánh giá năng lực sư phạm của sinh viên; phối hợp các phương pháp đánh giá, chú trọng hơn đánh giá quá trình, đánh giá các thành phần của quá trình, sao cho đánh giá đúng được năng lực người học; khuyến khích sinh viên biết tự đánh giá việc học.
- Coi trọng tổ chức và quản lý và xây dựng đội ngũ giảng viên: Việc tổ chức giảng dạy và NCKH đòi hỏi sự thay đổi lớn trong nhận thức của toàn thể cán bộ giảng dạy của khoa Địa lí, đặc biệt trong nhận thức của các cán bộ quản lí; giải quyết tốt vấn đề điều hành công tác giảng dạy và NCKH; tập trung nâng cao vai trò của các bộ môn trong việc hình thành và duy trì các nhóm nghiên cứu; quán triệt hình thức đào tạo theo tín chỉ và khai thác tối đa những đặc điểm thuận lợi của hình thức đào tạo này; chú trọng đào tạo lại đội ngũ giảng viên trên cơ sở coi quá trình tự đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên đối với mỗi giảng viên để đáp ứng yêu cầu mới.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học: Để thực hiện tốt mục tiêu đào tào tạo và nghiên cứu khoa học, khoa Địa lí đang từng bước khẳng định được vai trò là một cơ sở NCKH giáo dục Địa lý và khoa học Địa lí có uy tín. Qua đó, khẳng định vị thế về khoa học của Khoa Địa lí trong cộng đồng các trường ĐHSP của cả nước. Duy trì và tăng dần số lượng các công bố của cán bộ giảng dạy của Khoa trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Cố gắng tạo ra những điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.
5.3. Cơ cấu tổ chức
Từ năm 2011 đến nay, theo yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, khoa có gồm 4 bộ môn là: Địa lý Tự nhiên; Địa lý Kinh tế - Xã hội; Bản đồ - Viễn thám và Hệ thông tin địa lý (GIS); Lý luận và Phương pháp dạy học Địa lý. Trong đó, bộ môn Bản đồ, Viễn thám và Hệ thông tin địa lý được xây dựng trên cơ sở bộ bôn Bản đồ.
5.4. Đội ngũ giảng viên, viên chức
Số lượng giảng viên trong giai đoạn này giảm sút nhanh chóng do nghỉ chế độ và chuyển công tác (khoảng 1/3 số người so với giai đoạn 1990-2010). Đây là một trong các khó khăn chủ yếu của khoa do đội ngũ giảng viên trẻ được bổ sung không nhiều và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, chính khó khăn này cùng những yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đã tạo điều kiện cho sự vươn lên và khẳng định năng lực của các cán bộ trẻ, tạo động lực túc đẩy cán bộ trong khoa tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác với nhiều cơ quan khoa học ở trong và ngoài nước.
Về số lượng giảng viên, viên chức: Tính đến 25/06/2022 khoa có 27 viên chức. Trong đó có 24 giảng viên và 01 giáo viên thực hành (03 Phó giáo sư, 18 Tiến sĩ, 04 thạc sĩ), 02 chuyên viên.
Về tư tưởng chính trị và trách nhiệm nghề nghiệp: Đội ngũ giảng viên, viên chức trong khoa có phẩm chất chính trị và lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động đoàn thể được đông đảo giảng viên, viên chức tham gia; tích cực tham các khóa, lớp học tập bồi dưỡng lý luận chính trị, các phong trào của Công đoàn Nhà trường và công đoàn ngành giáo dục. Hầu hết giảng viên có năng lực sư phạm tốt, yêu nghề, có trách nhiệm và tâm huyết với nhiệm vụ giảng dạy nói riêng và với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Khoa đang là một trong đơn vị của Trường ĐHSP Hà Nội có đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Tỉ lệ giảng viên có học hàm, học vị tiến sĩ chiếm trên 86% tổng số viên chức. Số ít giảng viên có trình độ thạc sĩ (02 người) đều đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Về công tác tuyển dụng: Hằng năm, công tác tuyển dụng, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ được Nhà trường quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đúng qui chế. Nhờ đó, luôn đảm bảo được không khí dân chủ, đoàn kết và tinh thần xây dựng trong toàn Khoa.
5.5. Công tác đào tạo
Hiện tại khoa đang đào tạo 02 chương trình ở bậc đại học là Cử nhân sư phạm Địa lý chất lượng cao và Cử nhân sư phạm Địa lý; ở bậc Sau đại học gồm 04 chuyên ngành thạc sĩ là: Địa lý Tự nhiên, Địa lý học; Lý luận và PPDH Địa lý; Bản đồ - Viễn thám và GIS và 3 chuyên ngành tiến sĩ là: Địa lý tự nhiên; Địa lý học; Lý luận và PPDH Địa lý.
- Đến năm học 2021-2022, khoa đã và đang đào tạo 71 khóa sinh viên chính quy với trên 15.000 cử nhân Sư phạm Địa lý (trong đó đang đào tạo các khóa 69 đến 71).
- Hệ vừa làm vừa học: Đào tạo được trên 5.200 cử nhân các khóa ở nhiều địa phương trên cả nước.
- Đào tạo Thạc sĩ: Đào tạo được trên 1.850 Thạc sĩ thuộc các chuyên ngành Địa lý tự nhiên, Địa lý học, Lý luận và PPGD Địa lý, Bản đồ - Viễn thám và GIS.
- Đào tạo Tiến sĩ: Đào tạo được 179 tiến sĩ thuộc các chuyên ngành Địa lý tự nhiên, Địa lý học, Lý luận và PPGD Địa lý.
Có thể nói, hơn 66 năm phát triển của khoa Địa lý là một chặng đường phấn đấu đầy gian nan nhưng cũng rất hào hùng. Trong sự phát triển mạnh mẽ kinh tế và khoa học - công nghệ, việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của khoa Địa lý trong giai đoạn đã có sự đổi mới rõ rệt. Vai trò của các bộ môn được tăng cường, các nhiệm vụ được phân công rõ ràng. Hiệu quả của công việc được lấy làm thước đo để đánh giá mọi hoạt động của các cá nhân và tập thể. Vì thế, mọi nhiệm vụ của khoa nói chung và của từng thành viên nói riêng đều được thực hiện có kết quả.Các thế hệ thầy và trò khoa Địa lý có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được nhưng cũng nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ vững vai trò đầu ngànhvề đào tạo giáo viên Địa lý trong hệ thống các trường Sư phạm của cả nước. Truyền thống 66 năm trưởng thành sẽ là điểm tựa vững chắc để các thầy, cô và sinh viên tự tin bước tiếp và thành công hơn nữa về mọi mặt.