NGND Hoàng Thiếu Sơn
Sinh năm: 1920
Quê quán: Trung Bính - Bảo Ninh - Thị xã Đồng Hới
Địa chỉ: Phòng T6 - Khu tập thể Hồng Hà - Ngõ 190 - Phố Lò Đúc - Hà Nội.
Ban Chủ nhiệm Khoa xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của GVC Lê Công Vân, khắc họa chân dung NGND Hoàng Thiếu Sơn.
Năm 1954 , cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi - Hà Nội trở lại thủ đô nước Việt Nam Dân chủ công hòa sau những tháng ngày bị tạm chiếm. Qua những ngày hồ hởi hạnh phúc của nhân dân thủ đô, của các gia đình được đoàn tụ. Hà Nội bộn bề với bao công việc của một thành phố lớn - một trung tâm Chính trị - Kinh tế - Văn hoá của miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế, đấu tranh thống nhất tổ quốc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là sớm mở cửa các trường học công lập và tư thục là nơi mà chỉ mấy tháng trước đã nuôi dưỡng phong trào đấu tranh cách mạng của thanh niên học sinh thủ đô trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm. Sự xuất hiện đội ngũ các thày giáo trẻ từ kháng chiến trở về tham gia giảng dạy mà nay có thầy đã khuất và hầu hết đã trở thành các giáo sư, các nhà nghiên cứu đầu ngành như : GS. Nguyễn Đức Chính, Trương Tửu, Nguyễn Trác, Hoàng Tuệ, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long, Lê Hải Châu ... và nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn cũng là một trong số đó. Họ là những nhà giáo cách mạng đầu tiên mà thanh niên học sinh, sinh viên Hà Nội lần đầu được tiếp xúc để sau này mãi mãi ngưỡng mộ về đức độ, kính trọng về tài năng và đầy lòng biết ơn sâu sắc.
Năm nay NGND - Hoàng Thiếu Sơn đã 82 tuổi (sinh năm 1920). Ông được sinh thành tại nguyên quán - Thôn Trung Bỉnh - Xã Bảo Minh- Thị xã Đồng Hới - một giải cồn cát "Đai Trường Bá" kề bên sông Nhật Lệ thị xã Đồng Hới. Ông là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội mà lĩnh vực nào cũng thành đạt. Ông tham gia giới thiệu và là dịch giả các tác phẩm văn học nước ngoài, giới thiệu các tác giả tác phẩm văn học Việt Nam trước Cách mạng và hiện đại - Ông là người nhậy cảm chính trị vì vậy ông đã thành công trong việc viết và giới thiệu "Gương ngời tốt- Việc tốt " nhằm nhân rộng phong trào điển hình của thanh niên 1960, qua đó ông đã được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khen thưởng ... Tuy nhiên, trong bình diện rộng và sâu đó trước hết nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn là một người Thầy, một nhà Sư phạm - một nhà Địa lý có uy tín không chỉ là của Trường ĐHSP Hà Nội.
NGND Hoàng Thiếu Sơn đến với nghề dạy học là một sự lựa chọn có phần theo gương các nhà nho thời trước cũng như nối tiếp bước đường của một nhà cách mạng - là muốn thông qua nghiệp dạy học để được cống hiến nhiều nhất trong hoàn cảnh của một đất nước vừa giành được độc lập và đang chống lại sự tái xâm lược. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại triều Nguyễn, có truyền thống khoa bảng .Được lớn lên học tập tại kinh đô Huế . Ông đậu tú tài thời Pháp thuộc, theo học ngành luật tại Hà Nội, sau đó là ngành kiến trúc (1944) . Việc học không thành giữa lúc toàn dân và các tầng lớp thanh niên hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng. Ông đã tham gia hoạt động từ ngày ấy. Năm 1946 ông tham gia công tác tại Bộ Giáo Dục với bậc hàm "Chánh tổng lý văn phòng Bộ ". Tham gia kháng chiến tại Việt Bắc không lâu sau ông xin được làm giáo viên dạy học tại các trường trung học kháng chiến như Tân Trào (Tuyên Quang), Hùng Vương (Phú Thọ), Hàn Thuyên (Bắc Ninh) .... và là một cán bộ giảng dạy Ban khoa học xã hội khi ban này được thành lập tại Đại học Việt Bắc .
Năm 1954, hoà bình, trở về Hà Nội ông là giảng viên khoa Sử - Địa. Năm 1956 do sự phát triển của Trường, Địa lý được tách riêng trở thành khoa Địa lý, Đại học Sư phạm Hà Nội.Vì vậy ông là người đầu tiên đặt nền móng của khoa Địa Lý cùng với giáo sư Nguyễn Đức Chính, Trần Đình Gián, Đào Bá Cương, và cũng vào dịp này khoa Địa lý long trọng kỷ niêm lần thứ 45 năm thành lập khoa (1956 - 2001) ông là người duy nhất còn lại - một nhân chứng của lịch sử hình thành và phát triển khoa.
Trong sự nghiệp giảng dạy ông quán triệt sâu sắc nguyên lý giáo dục cách mạng, các phương pháp giảng dạy bộ môn, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết trên lớp với thực hành và thực địa. Bàn chân ông đã đặt lên mọi miền đất nước, từ núi rừng Miền Bắc - đồng bằng sông Hồng, các vùng đất miền Trung, và sau này khi thống nhất là khắp các địa bàn Tây Nguyên và Nam Bộ. Ông đã tham gia giảng dạy nhiều chuyên ngành thuộc khoa học Địa lý: Địa lý Tự nhiên đại cương, Địa lý Kinh tế, Phương pháp giảng dạy và sau này là một số chuyên đề nâng cao như: Lịch sử địa lý, dân số... Trong hoàn cảnh thiếu thốn ban đầu ông đã viết sách phục vụ cho việc học tập của sinh viên như 2 tập. Địa lý đại cương (gần 1000 trang), năm 1964 đã được Bộ Giáo Dục dùng làm giáo trình chính thức ở bậc đại học (cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị ban đầu) và các sách chuyên sâu khác và gần đây bản dịch tác phẩm " Những tấm lòng cao cả"của Edomondo de Amicis có ý nghĩa rất lớn đối với nhà trường phổ thông. Nét nổi bật của ông là trên nền tảng kiến thức chuyên môn ông đã vận dụng các phương pháp giảng dạy bộ môn đạt hiệu quả cao. Ông có một nghệ thuật truyền thụ có sức cuốn hút, một sự giảng giải sâu sắc về các sự vật hiện tượng địa lý cũng như mối quan hệ giữa tự nhiên, kinh tế xã hội và con người. Ông đã truyền đạt cho học sinh, sinh viên lòng say mê bộ môn Địa lý - Sư phạm và từng bước dìu dắt họ thành giáo viên địa lý cấp 3 có uy tín cũng như một số cán bộ giảng dạy của khoa Địa lý hiện nay .
Nhà giáo nhân dân lúc còn trẻ cũng như lúc có tuổi, ông luôn có một trí nhớ tuyệt vời. Trong chuyên môn địa lý ông ghi nhớ các sự vật và hiện tượng địa lý điển hình ở nước ta cũng như trên thế giới, phân bố ở đâu, diễn ra như thế nào và vào lúc nào. Trong quá trình giảng dạy, giới thiệu tác phẩm rất ít khi ông phải dựa vào chuẩn bị sẵn ... dù rằng có tác phẩm phải giới thiệu đến hàng chục nhân vật, những chuyên đề dài của các chuyên ngành.Tất cả khối lượng kiến thức đó đã được ghi lại trong bộ nhớ. Trong quan hệ với học trò đặc biệt là các sinh viên khoa Địa lý, ông còn nhớ khá chuẩn xác các khoá sinh viên mà ông đã trực tiếp đào tạo và lùi xa hơn về thời gian ông vẫn nhớ học sinh trung học kháng chiến ở Việt Bắc, lớp học trò đầu tiên của ông, khi họ đến chúc ông thượng thọ .
Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn nay tuổi đã cao, căn bệnh huyết áp đã không cho phép ông đi lại như trước. Hằng ngày ông vẫn ngồi đó, một chiếc ghế để cạnh giường; ông vẫn đọc sách, đôi lúc trên tay cầm tập bản thảo đã ố vàng vì thời gian. Đó là những bài thơ Đường, hoặc thơ mới, những mẩu truyện ngắn mà ông đã viết từ thuở ở núi rừng Việt Bắc. Ông vẫn say sưa khi có học trò đến thăm, ông vẫn hẹn với họ những chuyến đi xa trong thời gian sắp tới, thăm những miền đất của đất nước mà ông đang nghiên cứu. Ông vẫn hứa hẹn và vẫn lạcquan .
Đối với các thế hệ học sinh sinh viên, nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn luôn luôn đậm nét trong kí ức, với lòng kính yêu sâu thẳm bởi vì ông là một người Thầy - Một tấm lòng.
 

:28/07/2022