NGND Nguyễn Đức Chính
Tôi sinh năm 1908 trong một gia đình nghèo, cha tôi, viên chức nhỏ, lương ít, lại mất sớm, khi tôi mới 9 tuổi, tôi đi học rất vất vả, học thì khá, thường đứng đầu lớp, nhưng đời sống hết sức khó khăn, sách vở giấy bút cũng không có tiền mua. Hết tiểu học tôi thi vào Sư phạm. Thứ nhất, đi Sư phạm mới có học bổng để theo học; thứ hai, vì tôi nghĩ rằng làm nghề thầy giáo còn hơn nhiều nghề khác trong hoàn cảnh nước nhà bị nô lệ, càng quyền cao chức trọng càng nặng ách tay sai.
Năm 1926, tôi dạy ở Trường Yên phụ (trường Mạc Đĩnh Chi hiện nay) sau về làm hiệu trưởng trường Chính Kinh (xã Nhân Chính, ngoại thành Hà Nội bây giờ). Tôi thương yêu các em học sinh và tôi cố gắng khơi động ở các em, cùng với tính ham học, lòng yêu nước. Tôi dẫn các em đi thăm di tích Thành Cổ Loa, đền thờ Hai Bà Trưng, Gò Đống Đa... Đến mỗi nơi tôi nói cho các em nghe về truyền thống chống ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc. Tuy vậy, chính bản thân tôi cũng chỉ có nhiệt tình cách mạng, chứ chưa đứng trong tổ chức cách mạng nào. Luồng gió đầu tiên cánh diều tôi bắt gặp, song chỉ là luồng gió thoảng, là phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học, một bạn học cũ của tôi, sáng lập. Tôi được giao dạy một lớp học ban đêm để lấy tiền gây quỹ, giống như việc kinh doanh của Việt Nam Khách sạn. Năm 1929, khi Việt Nam Quốc Dân Đảng vỡ lở, tôi thấy phải thay đổi môi trường. Tôi thi vào Cao đẳng Sư phạm học. Thời gian này tôi lại được tiếp xúc với những anh em trong một phong trào cách mạng khác, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đúng thế, việc ra đời của Đảng năm 1930, với một cương lĩnh chính trị có cơ sở khoa học đã chỉ ra con đường phải theo cho những người như chúng tôi, sẵn tấm lòng nhiệt tình, nhưng con mắt chưa được rọi sáng.
Bị bắt vào nhà giam Hoả Lò, tôi gần gũi các đồng chí cộng sản, tôi tham gia những cuộc đấu tranh do các đồng chí tổ chức. Trước ngày đế quốc đưa chúng tôi đi đày Côn Đảo, các đồng chí giao cho tôi viết truyền đơn chống khủng bố trắng và kêu gọi đồng bào đấu tranh, để rải dọc đường từ Hà Nội đến Hải Phòng.
Ra Côn Đảo, tôi thấy nhiều anh Quốc Dân Đảng (QDĐ) cũ như Trần Huy Liệu, Tưởng Dân Bảo... đã chuyển sang cộng sản. Nhưng các anh ấy bảo tôi: "Bây giờ, anh em Quốc Dân Đảng ra đây nhiều, anh nên ở với anh em, để dần dần giác ngộ cho họ. Được anh Tưởng Dân Bảo cho mượn sách báo, tôi mở một lớp học văn hoá, thực chất là học chủ nghĩa Mác - Lênin, tất nhiên cũng học cả lịch sử, bình luận văn học, nghệ thuật và thời sự.
Lớp học mới đầu chỉ có chừng mươi người, sau lên trên một trăm. Bọn Quốc Dân Đảng cực đoan hoảng hốt, đòi tôi phải giải tán lớp học. Tôi không chịu, sau tên Đội Lãng khép tội tôi là đưa chủ nghĩa cộng sản về lung lạc Quốc Dân Đảng và định ám sát 4 người: Tưởng Dân Bảo, Trần Xuân Độ, Nguyễn Văn Xuân và tôi. Song hắn chỉ đâm được anh Tưởng Dân Bảo một nhát, rồi hắn tự rạch cổ chết, lớp học vẫn tiếp tục tiến hành.
Ở Côn Đảo, ngoài việc tổ chức học, tôi còn tổ chức diễn kịch, diễn gần hết các vở của Môlie, vừa bằng tiếng Việt, vừa bằng tiếng Pháp. Những buổi diễn kịch này là dịp để anh em cộng sản và Quốc Dân Đảng cộng tác với nhau (diễn viên) hoặc tiếp xúc với nhau (khán giả), còn đối với người coi ngục, được xem, họ cũng khoái và ngầm phục anh em mình. Cho nên thư từ trao đổi của tôi ít khi bị cắt bỏ. Vì vậy, mới có tập "Thư Côn Lôn" tôi xuất bản năm 1937, khi đã ra tù.
Thời kỳ 1936 - 1939, tôi tham gia phong trào Mặt trận dân chủ, viết các báo Lao động (Le Travail). Tập hợp (Rassemblement), Thời báo, Tin tức... và làm công tác vận động trí thức.
Sau Cách mạng tháng 8, theo yêu cầu của Nha Bình Dân Học vụ, tôi giúp ban tu thư, chuẩn bị cho giai đoạn bổ túc văn hoá tiếp theo giai đoạn xoá mù chữ. Lúc này bọn tàn dư Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh theo chân đám quân Lư Hán về quấy rối. Tôi đợc giao nhiệm vụ thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng cải tổ, đứng trong mặt trận dân tộc thống nhất như các đảng Dân chủ, Xã hội. Tờ báo Quốc dân ra được 5 số thì kháng chiến bùng nổ. Việc đối phó với bọn tàn dư Quốc Dân Đảng không cần thiết nữa. Tôi chính thức xin ra nhập Đảng, và được kết nạp tại Sở thông tin Liên khu 3, mà ở đó tôi công tác trong ban Biên Nghiên Huấn (biên tập, nghiên cứu, huấn luyện).
Năm 1950, khi bắt đầu cải cách giáo dục, tôi được điều động trở lại ngành giáo dục về Nha Giám đốc giáo dục Liên khu 3, đồng thời làm cán sự Ban huấn học, giữ nhiệm vụ liên lạc giữa giáo dục của Đảng và giáo dục nhân dân.
Năm 1952, tôi chuyển qua Trường dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp mở tại Thanh Hoá, làm trợ lý dạy môn Triết học và Chính trị kinh tế học. Ngoài ra Trường lại phân công tôi dạy môn Địa lý. Tôi nói có học Địa lý bao giờ mà dạy, khi học ở Cao đẳng Sư phạm tôi học Ban Khoa học chứ không học Ban Văn học. Các đồng chí bảo tôi: Thế thì học đi mà dạy. Quả nhiên, tôi vừa học vừa dạy. Nhưng có cái thuận lợi là trước kia tôi đã học khoa học tự nhiên, sau tôi lại nghiên cứu khoa học xã hội, vậy mà khoa học địa lý là một khoa học nằm ở chỗ đầu nối giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ấy là chưa kể cái thuận lợi cơ bản là tôi nắm được ít nhiều những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, cơ sở lý luận và phương pháp luận của mọi khoa học. Cho nên trong việc xây dựng ngành Địa lý hiện đại ở nước ta, kiểm điểm lại, tuy tôi mò mẫm, nhưng đi đúng hướng, không mắc sai lầm gì nghiêm trọng.
Từ 1954 đến 1970, tôi giữ chức vụ tổ trưởng tổ địa lý, rồi chủ nhiệm Khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước coi tôi như người đầu ngành về khoa học Địa lý. Hội Địa lý Liên Xô bầu tôi là hội viên danh dự của Hội. Hiện nay, đã hưu trí, tôi vẫn giúp việc như cố vấn chuyên môn cho khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khích lệ tôi. Trong thư viết cho tôi Thủ tướng nói: "Nhân đây xin nhắc với anh tầm quan trọng của môn Địa lý trong chương trình phổ thông và đại học. Càng làm về kinh tế càng thấy thấm thía tầm quan trọng này. Có cơ hội anh nói lại ý kiến của tôi với những anh em có trách nhiệm trong ngành giáo dục đại học và phổ thông. Ngoài ra còn phải xem nên nghiên cứu cao sâu hơn như thế nào. Thực vậy, chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách cần giải quyết và cũng giải quyết cùng một lúc".
Tôi gắng làm theo lời căn dặn của Thủ tướng. Tự nhận xét về quãng đời hoạt động của tôi, tôi có thể tóm tắt:
1. Từ ngày tôi rõ con đường đi do Đảng chỉ ra, tôi luôn luôn gắn bó với Đảng, cả khi chưa là đảng viên, và Đảng giao việc gì tôi cố gắng hoàn thành.
2. Về nghiệp vụ chuyên môn, suốt năm, sáu chục năm tôi gắn bó với công tác giáo dục. Những thời gian ở tù, viết báo hay ở Sở Thông tin tôi vẫn làm công tác giáo dục, dưới một hình thức khác. Còn trong ngành giáo dục theo nghĩa hẹp, tôi dạy từ bình dân học vụ, qua tiểu học, trung học, đến đại học và trên đại học. Tự học để mà dạy. Nhân ngày nhà giáo Việt <country-region> Nam </country-region> năm 1983, khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có gửi điện chúc mừng tôi, tôi trả lời:
" Kể từ ngày tôi vào Sư phạm, học nghề, rồi ra làm nghề, đến nay đã sáu mơi mốt năm, trải qua nhiều chế độ khác nhau, nhng luôn luôn vì tuổi trẻ của đất nước".
Mùa Thu 1988 - Nguyễn Đức Chính

 
:28/07/2022